Điểm danh tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả cho người làm vườn

Điểm danh tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả cho người làm vườn

Nhóm cây ăn quả thường xuyên phải đối mặt với các tác nhân gây hại, điển hình như sâu bệnh. Việc nắm bắt tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả và thông tin về từng loại giúp người làm vườn chủ động trong cách phòng chống. Theo chân Vườn Nhà Ta tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả

Cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế và giá trị dinh dưỡng vô cùng lớn. Chúng ta chỉ cần nắm vững kỹ thuật trồng, kết hợp với thông tin về các loại sâu bệnh hại là có thể tối ưu được năng suất cho cây ăn quả.

Dưới đây là tổng hợp tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả phổ biến:

Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis)

Bọ trĩ có tên khoa học là Scirtothrips dorsalis. Đây là loại sâu bệnh gây hại phổ biến và đa thực. Không chỉ gây hại cho nhiều loại cây ăn quả, bọ trĩ còn tàn phá cây hoa, cây lương thực, rau màu… Bọ trĩ thường gây hại trên bộ phận đọt non, lá non hoặc đôi khi là cánh hoa.

Bọ trĩ

Những cây ăn quả bị bọ trĩ gây bệnh thường kém phát triển. Từ đó, khiến năng suất thu hoạch giảm thiểu và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người làm vườn.

Bên cạnh đó, vết chích của bọ trĩ còn tạo điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn cũng như nấm gây bệnh xâm nhập vào cây.

Câu cấu (Hypomeces squamosus và Platymycterus sieversi)

Câu cấu có hai loại với kích thước to và nhỏ. Chúng là loại côn trùng thường gây hại trên nhóm cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi như cam, quýt, chanh, bưởi…

Những con to thường ít xuất hiện hơn. Ngược lại, những con nhỏ xuất hiện dày đặc, thậm chí có thể lan thành dịch. Câu cấu là loại sâu bệnh rất nguy hiểm bởi chúng rất phàm ăn, số lượng lớn. Câu cấu ăn cụt những lá và đọt non, đôi khi ăn cả quả non và những lá già.

Câu cấu

Nếu bị nhẹ, vỏ của quả thường bị biến dạng. Nếu bị nặng, quả non có thể chưa kịp già mà đã rụng. Những con câu cấu trưởng thành thường gặp sau những đợt mưa. Khi cây bắt đầu đâm những chồi non cũng là lúc câu cấu cắn phá.

Nhện

Nhện là loài côn trùng phổ biến gây hại trên mọi nhóm cây trồng. Nhóm nhện chỉ có kích thước nhỏ, không như những loài nhện thông thường. Các loài nhện gây bệnh trên cây ăn quả bao gồm:

  • Nhện đỏ: Loài này thường chích hút trên quả và lá, để lại những dấu hiệu như bị cào. Vỏ của quả bị phủ một lớp có màu vàng sẫm, mặt lá có các điểm sáng nhất định.
  • Nhện vàng: Loài này chủ yếu phá hoại trên vỏ quả. Nhện vàng tấn công làm quả bị nhỏ, biến dạng, xuất hiện những vết nâu xám.
  • Nhện trắng: Loài này thường tạo ra các vết sạm và rám trên nhóm cây ăn quả có mùi. Đặc biệt phát triển nhanh vào mùa hè, độ ẩm cao.

Nhện

Xem thêm một số hình ảnh về các loài nhện hại cây TẠI ĐÂY

Bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis)

Đây cũng là loại sâu bệnh thường gặp ở nhóm cây ăn quả. Bọ xít xanh thường hoạt động vào rạng sáng và chiều tối. Khi thời tiết quá nắng nóng, bọ xít xanh thường ẩn nấp dưới lá.

Con còn non chỉ dài từ 2 – 3mm. Bọ xít non tập trung sống quanh ổ trứng, rồi di chuyển dần để chích hút dịch quả. Những con non có màu nâu vàng, hình bầu dục, lưng của chúng có những đốm đen đỏ xen kẽ, có một hàng chấm đen ở mặt lưng và xếp theo hình bầu dục.

Bọ xít xanh

Bọ xít xanh ở con non và trưởng thành đều chích hút dịch quả bằng vòi, thậm chí khi quả còn non.

Vết thương bị bọ xít xanh tạo ra có một chấm nhỏ và quầng xung quanh chấm màu nâu. Quả còn nhỏ bị bọ xít chích hút thì sẽ nhanh vàng và rụng sớm. Ở quả già thì dễ bị úng thối và rụng.

Sâu đục trái

Sâu đục trái có tên khoa học là Conopomorpha cramerella. Con trưởng thành ở dạng bướm, thường gây hại vào ban đêm.

Chúng đẻ trứng trên quả non, các ấu trùng sau khi nở sẽ đục vào bên trong quả, ăn hết phần thịt của quả, chui vào hạt quả. Do vậy, nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện.

Sâu đục trái

Sâu đục trái là một trong những loại sâu bệnh phổ biến và gây tổn thất cho năng suất cây trồng lớn nhất. Khi gây hại, quả sẽ thường bị rụng, bên trong hư hỏng nên không thể sử dụng. Sâu đục trái thường gặp ở những loại cây ăn quả như bưởi, chôm chôm, vải, xoài, sầu riêng…

Xem thêm: Học cách trồng cà chua trong chậu sai quả quanh năm

Rầy chổng cánh (Diaphorina citri)

Trong khoa học, loài côn trùng này có tên Diaphorina citri. Loài này có kích thước nhỏ, chỉ từ 2 – 3mm. Cánh của chúng có màu nâu sẫm, khi ngừng di chuyển và đậu ở một chỗ, phần bụng của rầy chổng cánh chổng lên cao một góc 30 – 40 độ.

Trứng của rầy chổng cánh có hình bầu dục, kích thước khoảng 0.3mm. Ấu trùng dẹp hình bầu dục, cánh ngắn, màu nâu vàng. Vòng đời của loài sâu bệnh này từ 20 – 38 ngày.

Rầy chổng cánh

Rầy chổng cánh thường bắt đầu xuất hiện trên cây ở thời điểm đâm chồi. Mật độ cao nhất tập trung vào mùa mưa, đây là thời điểm cây bắt đầu ra lá non và hoa.

Ấu trùng và cả con trưởng thành để gây hại cho cây bằng cách chích hút dinh dưỡng từ những đọt non, lá non, làm kích thước lá xoăn và nhỏ hơn. Còn những đọt non thì sần sùi và cụt ngủn.

Chất thải của loài sâu bệnh này có thể thu hút nấm bồ hóng, tác động xấu đến quá trình quang hợp của cây. Đây cũng là loài trung gian truyền bệnh vàng lá.

Ngài chích trái

Ngài chích trái thường sở hữu một cơ thể khá lớn, cánh khỏe, bay nhanh, bụng và ngực đều nở và phủ đầy lông. Con trưởng thành to đến 35 – 37mm, cánh sải từ 85 – 95mm.

Ngài chích trái thường có màu tối, có nhiều đốm trên cánh với những màu sắc và hình dạng khác nhau.

Ngài chích trái

Cánh sau của chúng có màu vàng cam, viền cánh màu đen, giữa cánh có đốm. Chúng dùng vòi chích của mình để đâm thủng vào những lớp vỏ trái cây. Vòi chích thường cuộn tròn dưới đầu nếu chúng không ăn, khi ăn có thể vươn vòi dài đến 2cm.

Lúc mới nở, ấu trùng của chúng có màu xanh nhạt và chuyển sang nâu tối khi lớn lên. Trên lưng có 2 đốm màu trắng, nhộng màu đen. Khi trưởng thành, ngài chích hút có thể đẻ trứng với số lượng lớn trên lá cây. Thường hoạt động và sinh nở vào ban đêm. Chúng hút dịch và dinh dưỡng từ trái thông qua vòi chích hút.

Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Sâu vẽ bùa cũng là một loài côn trùng thường gặp trên cây ăn quả. Con trưởng thành có kích thước nhỏ, thân chỉ dài 2mm. Sâu vẽ bùa hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng ẩn dưới những tán lá.

Sâu cái đẻ trứng ở mặt dưới lá non, thường sát mép gân lá. Trứng sau khi nở thành sâu non sẽ đục vào lớp biểu bì dưới lá và hình thành nên những đường nguệch ngoạc như.

Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ mùa hoạt động và gây hại quanh năm. Đặc biệt là ở thời điểm từ tháng 2 cho đến tháng 10. Cây ăn quả bị sâu vẽ bùa tấn công thường quang hợp kém hơn. Từ đó, sinh trưởng và phát triển chậm hơn. Loại sâu này cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh loét.

Một số hình ảnh sâu bệnh hại cây trồng, cây ăn quả phổ biến

Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu tên các loại sâu bệnh hại cây ăn quả. Người làm vườn cũng cần nắm được những thông tin về các bệnh phổ biến ở nhóm cây này. Dưới đây là một số hình ảnh sâu bệnh hại cây ăn quả phổ biến:

Bệnh thán thư hại xoài

Bệnh thán thư hại xoài là một loại bệnh phổ biến ở nhóm cây ăn quả, đặc biệt là cây xoài. Bệnh thường gặp ở lá màu nâu xám, có góc cạnh hoặc tròn, kết hợp nên những mảng tối và khô. Do đó, lá thường nứt và bị thủng. Khi gây bệnh trên quả và hoa sẽ hình thành nên những đốm nâu đen khiến hoa và quả rụng sớm.

Bệnh thán thư hại xoài

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tiến hành gom lá, cành, hoa và quả rụng mang đi đốt. Làm sạch cỏ dưới thân cây để tạo môi trường thông thoáng.
  • Thực hiện tỉa cành tạo tán, hạn chế chiều cao của cây để thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc. Dùng túi nilon hoặc túi lưới bọc quả khi quả bắt đầu lớn.
  • Trước khi cây xoài bắt đầu nở hoa khoảng 2 – 3 tuần và 1 – 2 tuần sau khi hoa đã nở có thể phun thuốc phòng khi thấy bệnh mới hình thành.

Bệnh ghẻ lõm

Bệnh ghẻ lõm chủ yếu thường gặp trên phần quả. Ở lá, ban đầu các vết bệnh sẽ có màu nâu đỏ, kích thước nhỏ và hơi lồi lên. Sau đó, các đốm bắt đầu hoại tử và lõm xuống. Trung tâm của vết bệnh có màu vàng, viền ngoài vết bệnh có màu đen.

Khi gây bệnh trên quả, thường gặp phổ biến ở những quả đã già hoặc đã chín. Bệnh ghẻ lõm có những triệu chứng không giống nhau khi gây bệnh trên quả. Nhưng phần nhiều là dấu hiệu đốm cứng.

Bệnh ghẻ lõm

Ban đầu, vết bệnh nhỏ có hình tròn, lõm, ở giữa màu xám và ở viền có màu nâu đen. Ở những vết bệnh đã lâu thường hình thành những chấm đen hơi lồi hơn so với trung tâm vết bệnh.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tiến hành thu gom những quả đã bị bệnh và đem đi tiêu hủy.
  • Thực hiện phun thuốc ngừa định kỳ khi quả đã được 2 tháng tuổi, phun cho đến thời điểm 15 ngày trước khi thu hoạch.

Bệnh thối hoa nhãn, vải

Bệnh thối hoa nhãn, vải thường gặp ở giai đoạn cây ra nụ và hoa. Bệnh này làm cho chùm và nụ hoa chuyển thành màu nâu đen, tiếp đến sẽ thối và rụng xuống. Hoa chưa kịp kết quả đã rụng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất của cây.

Bệnh thối hoa nhãn vải

Bệnh này cũng có thể tấn công ở các bộ phận như lá non, cành non và quả non. Bệnh thối hoa nhãn, vải còn làm giảm sự sinh trưởng và phát triển của cây nói chung. Nếu không phòng ngừa kịp thời sẽ làm mất luôn cả mùa vụ.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tiến hành cắt tỉa và làm sạch vườn trước khi vào vụ để vườn thoáng đãng, sạch sẽ, giảm độ ẩm và tăng cường ánh sáng. Đồng thời, bón phân phải thật hợp lý, bổ sung nhiều phân kali để tăng đề kháng cho cây.
  • Thường xuyên thăm vườn để quan sát phần hoa và nụ của cây. Phát hiện bệnh kịp thời để có cách xử lý sớm hơn.

Bệnh nhức thân cây chảy nhựa

Loại bệnh này thường gặp ở thân, phần ít có thể gây hại trên cuống quả và lá. Trên thân cây ban đầu có vết bệnh đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt và có nhựa đỏ ứa ra ngoài. Sau đó, vết bệnh dần chuyển thành màu nâu sẫm và đặc lại.

Bệnh nhức thân cây chảy nhựa

Ở mức độ nặng, bệnh này sẽ làm thân cây bị nứt ra. Tạo nên những vệt nâu xám dài, nhựa bên trong chảy ra nhiều hơn. Có những hạt nhỏ màu đen bên trên, khiến ngọn cây không phát triển được, quả phát triển kém…

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tiến hành thu gom tàn dư bị bệnh, xử lý đất bằng vôi hoặc phơi đất trước khi trồng. Nếu trồng nhiều thì nên có mật độ phù hợp. Nhà vườn nên thường xuyên thăm vườn, tỉa bớt lá già, cành khô để tạo khoảng không thoáng đãng cho cây.
  • Không nên tưới nước vào buổi chiều tối và tưới quá nhiều. Lúc tưới nước, tránh làm ướt lá và thân cây. Bón phân hợp lý, tránh bổ sung quá nhiều phân đạm.
  • Sử dụng thuốc phòng để phun vào ban đêm khi sương xuống. Hoặc khi quan sát thấy thân lá xanh và rậm rạp. Một số loại thuốc phòng bệnh này phổ biến có thành phần như: Mancozeb, Azoxystrobin…

Bệnh mốc sương hại nhãn, vải

Bệnh mốc sương gây hại trên các bộ phận lá, hoa và quả. Khiến hoa của cây bị thối, quả rụng sớm và lá héo dần. Nếu không kịp thời xử lý sẽ khiến cây chết.

Bệnh mốc sương hại nhãn, vải

Bệnh ban đầu là những vết đốm nhỏ màu đen, lan nhanh ra toàn khu vực cuống hoa, lá hoặc quả. Nếu độ ẩm cao sẽ thấy hoa bị hôi, nếu hanh khô hoa sẽ bị khô và tóp lại.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Môi trường cần đảm bảo hạn chế tối đa độ ẩm, mốc, đảm bảo thông thoáng để các vi khuẩn và nấm không sinh sôi.
  • Thực hiện cắt tỉa toàn bộ lá, hoa, quả, cành có triệu chứng nhiễm bệnh để ngăn ngừa sự lây lan. Đồng thời, làm sạch khu vực quanh gốc cây, dùng bột vôi để rắc lên mặt đất và thân cây.
  • Dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt bệnh.

Bệnh ghẻ nhám

Khi gây bệnh trên lá, vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ, màu nâu nhạt, lồi lên bên dưới mặt lá nhìn như những nốt mụn. Bệnh làm lá cong về phía trước, nếu bệnh nặng thì lá sẽ vàng nhanh và rụng sớm. Khi gây bệnh trên quả, vỏ quả sẽ nổi nhiều nốt sần màu nâu xám. Các nốt này có thể mọc độc lập hoặc kết hợp thành mảng lớn.

Bệnh ghẻ nhám

Biện pháp phòng ngừa:

  • Không trồng cây con đã bị bệnh, không trồng với mật độ dày.
  • Dọn dẹp và làm sạch vườn thường xuyên.
  • Tiến hành tỉa cành để cây thông thoáng.
  • Tiêu hủy những cành, lá, quả đã nhiễm bệnh. Đồng thời, bổ sung những loại phân hữu cơ đã hoai, giảm lượng đạm và không bón lúc cây đang bệnh.
  • Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.

Bệnh loét hại cây ăn quả có múi

Bệnh loét thường gây hại ở những cây ăn quả có múi. Trên các lá non, vết bệnh là những đốm nhỏ màu vàng như kim châm, sau đó chuyển sang màu nâu nhạt.

Bệnh loét hại cây ăn quả có múi

Bệnh loét thường gặp ở thời điểm lá, cành và quả đang còn non. Đặc biệt lây lan cực nhanh vào mùa mưa. Chúng làm cây nhanh rụng lá, cành nhanh khô và chết, quả rụng nhiều.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tỉa cành và lá thường xuyên cho cây, tiêu hủy nhanh những cành, lá và quả đã bị nhiễm bệnh.
  • Dùng thuốc Copper Oxychloride hoặc những loại tương tự để phun trị bệnh. Đồng thời, dùng vôi quét lên thân và gốc cây.

Bệnh vàng lá hại cây ăn quả có múi

Greening hay còn gọi là bệnh vàng lá thường gặp ở nhóm cây ăn quả có mùi. Khi cây nhiễm bệnh, lá sẽ bị loang lổ và chuyển dần sang màu vàng, teo nhỏ, hoa ra không đúng mùa, quả bé và chậm lớn, hạt lép.

Bệnh vàng lá do vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây nên, thường gây hại cho các cây chanh, cam, quýt, bưởi…

Bệnh vàng lá

Biện pháp phòng ngừa:

Khi cây bị nhiễm bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng lây lan thành ổ dịch, làm hại đến tất cả bộ phận trên cây.

  • Không sử dụng cây đã từng mắc bệnh để ghép hoặc chiết cành trồng cây mới.
  • Khi cây bắt đầu có triệu chứng, cần tiêu hủy những lá, cành, quả đã nhiễm bệnh và sử dụng thuốc Trebon 0,1% phun cho cây. Nhằm phòng bệnh này cho mùa vụ sau, bạn cũng nên phun Trebon 0,1% ngay từ thời điểm cây ra lộc non.

Cây ăn quả là nhóm cây mang lại giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Không chỉ được trồng với mục đích kinh tế ở các nhà vườn lớn, nhóm cây này ngày nay còn được nhiều người chọn trồng trong nhà để làm cảnh.

Do vậy, việc nắm bắt thông tin và tên các loại sâu bệnh gây hại cây ăn quả là rất cần thiết. Hy vọng, những kiến thức của Vườn Nhà Ta chia sẻ trên đây sẽ hữu ích đối với quý độc giả!

Mời bạn đọc thêm: Học nhanh các cách trồng hành lá nhanh lên siêu đơn giản

Ban biên tập: Vườn Nhà Ta

5/5 - (2 bình chọn)

Chia sẻ ngay!

Facebook
Pinterest
Twitter
Reddit
guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả các bình luận
Nội dung bài viết:

Chủ đề đang HOT

0
Để lại bình luận ngay bạn nhéx