“Học lỏm” cách trồng mướp ra hoa trĩu quả từ chuyên gia

“Học lỏm” cách trồng mướp ra hoa trĩu quả từ chuyên gia

Mướp là một giống rau củ được ưa chuộng trồng tại nhà. Thế nhưng, cách trồng mướp ra hoa trĩu quả không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây của Vườn Nhà Ta nhé.

Đôi nét về cây mướp

Là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng bậc nhất, mướp dường như xuất hiện trong mâm cơm hàng ngày của người dân Việt Nam. Hiểu được đặc tính và phân loại mướp cũng là một bí kíp hay trong cách trồng mướp ra hoa trĩu quả.

Đôi nét về cây mướp

Đặc tính của cây mướp

  • Mướp là loại thực vật thuộc họ bầu bí, tên khoa học là Luffa. Đây là một loài thân thảo sinh trưởng theo dạng leo, phần lớn được trồng để lấy quả.
  • Thân cây có màu xanh nhạt, phát triển thành nhiều cành và nhánh. Lá mướp to bản, xanh, phiến lá hình trái tim, mọc so le với nhau. Mặt trên và dưới của lá mướp đều có một lớp lông nhám mỏng màu trắng.
  • Hoa mướp là hoa đơn tính, màu vàng tươi. Hoa cái mọc đơn, hoa đực mọc thành chùm.
  • Quả mướp có thể có màu xanh đậm hoặc nhạt, dáng trụ thuôn hoặc dài, kích thước quả trung bình từ 15 – 50cm tùy vào giống mướp.
  • Mướp được trồng đa phần để lấy quả ăn lúc chúng còn non. Quả mướp già có nhiều xơ dai, có thể tận dụng làm dụng cụ vệ sinh hoặc có thể điều trị một số bệnh nhất định.

Cây mướp có mấy loại?

Mướp là một giống rau củ có khá nhiều loại. Trong đó phải kể đến các giống mướp ngon, dễ trồng và chăm sóc tại nhà như:

  • Mướp hương: Đây là loại mướp phổ biến và rất được yêu thích ở nước ta. Chúng còn được gọi với những tên như mướp gối, mướp ta… Mướp hương cũng là giống mướp ngon và có hương vị thơm nhất trong các loại.
  • Mướp trâu: Mặc dù quả không to và hương vị không xuất sắc như mướp hương. Tuy nhiên mướp trâu vẫn được ưa chuộng bởi sản lượng khi trồng cao hơn.
  • Lặc lày (mướp Nhật): Quả mướp Nhật hay lặc lày có vỏ ngoài sọc trắng, thuôn dài, đường kính nhỏ hơn mướp ta. Mướp Nhật có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và dễ chế biến thành nhiều món ngon.

Ngoài ba giống mướp phổ biến trên, còn một số loại mướp khác như: mướp khía, mướp xơ…

Trồng mướp vào tháng mấy để “sai trĩu quả”?

Không chỉ mang hương vị thơm ngon, quả mướp còn chưa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Việc trồng mướp tại nhà cũng không quá khó khăn. Không cần diện tích sân vườn rộng, bạn vẫn có thể trồng mướp trong chậu hoặc thùng xốp.

Tuy nhiên cách trồng mướp ra hoa trĩu quả nhấn mạnh đến thời vụ trồng. Vậy thời điểm lý tưởng nhất để cây mướp sinh trưởng tốt là vào tháng nào?

Trồng mướp tháng mấy để sai trĩu quả

 

Thời vụ trồng mướp ở miền Bắc

Dựa trên đặc tính của mướp, người dân miền Bắc thường trồng mướp vụ đầu tiên vào tháng 12 cho đến tháng 5 của năm kế tiếp.

Mướp trâu và mướp hương là hai giống mướp khá phổ biến ở miền Bắc.

Thời vụ trồng mướp ở miền Nam

Miền Nam đa phần có thời tiết nóng ẩm quanh năm, chỉ có mùa khô và mùa mưa nên vụ trồng mướp có phần khác so với miền Bắc.

Người dân miền Nam thường trồng mướp vào hai vụ, đó là vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè. Bên cạnh hai giống mướp phổ biến là mướp trâu và mướp hương, người miền Nam có trồng nhiều mướp khía.

Đọc thêm về cách trồng hành lá nhanh lên TẠI ĐÂY

Công tác chuẩn bị trước khi trồng mướp

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và phát triển của cây mướp tại nhà. Trong cách trồng mướp ra hoa trĩu quả, bạn cần đảm bảo sự chuẩn bị kỹ càng về:

Giống mướp

Nếu đây là lần thử nghiệm đầu tiên trồng mướp tại nhà, bạn nên mua giống mướp ở các cơ sở cung cấp uy tín.

Tùy vào sở thích và chọn giống mướp để trồng. Lưu ý, cần chọn giống khỏe, có thể chống chọi sâu bệnh tốt.

Chậu hoặc thùng xốp

Để trồng mướp sai trĩu quả tại nhà, bạn cần chuẩn bị chậu hoặc thùng xốp để trồng (nếu không có đất vườn). Kích thước chậu và thùng xốp cần đảm bảo không gian đủ cho cây mướp phát triển bộ rễ.

Tiếp đến, thùng hoặc chậu trồng phải được đục các lỗ ở hai bên sườn và dưới đáy nhằm giúp đất nhanh thoát nước. Môi trường thông thoáng sẽ giúp cây mướp nhanh phát triển và tránh được nấm mốc.

Cải tạo đất trồng

Đất trồng

Đây là yếu tố rất quan trọng trong cách trồng mướp ra hoa trĩu quả. Hãy đảm bảo loại đất có độ thoát nước và độ tơi xốp cao. Độ pH lý tưởng trong khoảng 5.5 – 6.8.

Trộn đất cũng phân chuồng đã hoai, vôi bột hoặc các giá thể khác như mùn cưa, vỏ trấu… để đất có thêm nhiều dinh dưỡng.

Cây mướp được trồng ở đất nhiều dinh dưỡng sẽ phát triển nhanh, đậu trái to và đẹp hơn. Đất trước khi đem trồng cần được xử lý bằng cách đem phơi nắng (tiêu diệt nấm mốc và sâu hại).

Vị trí trồng

Nếu trồng cây mướp tại nhà, hãy trồng ở một vị trí thoáng đãng, có nhiều ánh nắng. Nhu cầu ánh sáng tối thiểu của cây mướp là 6 tiếng/ngày.

Nếu không sở hữu sân vườn rộng, bạn có thể trồng cây mướp trên các khu vực đón nắng như ban công, sân thượng… cây vẫn đảm bảo sinh trưởng tốt bình thường nhé.

Cách trồng mướp ra hoa trĩu quả ngay tại nhà

Làm thế nào để cây mướp trồng tại nhà nhưng vẫn cho quả trĩu giàn? Trước tiên, hãy thử áp dụng các bước tuần tự theo quy trình trồng mướp như hướng dẫn sau:

Cách trồng mướp tại nhà

Bước 1: Xử lý hạt giống

Sau khi chọn được hạt giống mướp yêu thích, hãy xử lý hạt trước khi đem trồng. Trước tiên, đem hạt ngâm vào nước ấm (2 nóng: 3 nguội). Thời gian ngâm trung bình khoảng 6 tiếng.

Tiếp đến, vớt hạt ra rửa sạch và ủ trong một chiếc khăn hoặc vải ẩm. Ủ từ 2 ngày và quan sát thấy hạt nứt ra chuẩn bị nảy mầm là được.

Lúc này, bạn có thể mang hạt gieo trồng trong chậu, thùng xốp hoặc trực tiếp xuống đất vườn được rồi.

Bước 2: Gieo hạt mướp

Kỹ thuật gieo hạt mướp khá đơn giản, dùng một ngón tay tạo thành các lỗ sâu dưới đất, lỗ có kích thước khoảng 1cm. Gieo hạt xuống lỗ, lấp đất lại và tưới một lượng nước vừa đủ cho đất ẩm.

Khi hạt đã bắt đầu nảy mầm và ra lá non (cây con) có thể đem trồng. Nếu trồng nhiều cây, hãy đảm bảo khoảng cách giữa các cây dưới 1 mét. Chỉ nên trồng từ 2 – 3 cây nếu trồng trong chậu hoặc thùng xốp.

Để bảo vệ cây con trong quá trình sinh trưởng, những ngày đầu nên để cây ở vị trí tránh nắng trực tiếp.

Bước 3: Làm giàn cho mướp

Sau khi trồng cây mướp được một tháng, bạn cần phải thiết kế và làm giàn cho cây để cây có không gian phát triển.

Có thể sử dụng những vật dụng như cọc nứa, gỗ, tre đan chéo để làm giàn mướp. Giàn mướp nên thiết kế có mái, chắc chắn để tránh tác động của thời tiết như gió, mưa…

Độ cao trung bình của giàn nên đạt khoảng 2 mét – 2.5 mét. Làm giàn là một bí kíp trong cách trồng mướp ra hoa trĩu quả. Đồng thời, góp phần hạn chế bệnh hại cho cây. Quả mướp khi hình thành sẽ đều và giúp việc thu hoạch thuận tiện hơn.

Thời điểm làm giàn mướp thích hợp nhất là cây đạt khoảng 30cm.

Tuyệt chiêu chăm sóc giàn mướp sau khi trồng cho trái trĩu cành

Cách trồng mướp ra hoa sai trĩu cành cần quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc sau đó. Những nhân tố tác động đến sản lượng của cây như nước, dinh dưỡng, cắt tỉa, sâu bệnh…

Tưới nước

Đất quanh gốc cây cần phải ẩm, tuy nhiên không nên tưới quá nhiều khiến đất bị sụt lún. Mỗi ngày tưới khoảng 2 lần cho cây vào buổi sáng và chiều tối.

Nước tưới phải là nước sạch, hoặc sử dụng nước vo gạo sẽ càng tốt. Khi hoa mướp bắt đầu ra, hãy tưới với lượng nước nhiều và số lần tưới cao hơn.

Thời điểm mướp đậu trái thì gia giảm lượng nước xuống. Trong quá trình tưới, tránh tưới nước vào quả non hoặc hoa sẽ gây hỏng.

Cách trồng mướp sai trĩu quả

Bón phân

Dinh dưỡng là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Thậm chí, chúng quyết định cây mướp của bạn có sai quả hay không. Trước khi trồng, có thể trộn đất với phân chuồng để bón lót.

Ngoài phân chuồng, có thể bổ sung thêm những phân như kali và lân. Nếu chỉ tập trung bón đạm cho cây mướp, cây sẽ phát triển tốt lá cành nhưng đậu trái ít hơn.

Bón phân phải đúng liều lượng, đúng thời điểm để cây cho trĩu quả và sinh trưởng ổn định. Khi mướp bắt đầu leo giàn, hãy bón thúc trung bình 20 ngày/lần.

Đồng thời, dùng phân NPK pha loãng để tưới cho cây, kết hợp làm cỏ, vun gốc.

Cắt tỉa

Khi cây mướp đã leo đến đỉnh của giàn, tiến hành cắt tỉa những nhánh bên dưới gốc để làm thoáng gốc. Mặt khác, việc này cũng giúp tập trung dinh dưỡng nuôi các cành và nhánh phía trên.

Diệt trừ sâu bệnh

Dù trồng loại cây gì thì sâu bệnh cũng là vấn đề cần phải đối mặt và xử lý. Mướp cũng là một loại thực vật dễ bị sâu bệnh. Một số loại phổ biến như bọ trĩ, sâu vẽ bùa, bọ rùa, sâu xanh, rầy trắng, rầy bông, ruồi vàng…

Mặc dù vậy, để đảm bảo mướp thu hoạch cho chất lượng sạch sẽ, an toàn tại nhà. Bạn có thể sử dụng loại thuốc trừ sâu tự chế thay vì dùng các chế phẩm hóa học. Nếu không có thời gian tự làm, bạn nên mua những chế phẩm sinh học để xử lý sâu bệnh.

Có thể tự chế thuốc trừ sâu cho mướp bằng cách giã nhuyễn hỗn hợp ớt, tỏi, gừng, ớt… vắt lấy nước cốt pha loãng nước để phun lên toàn bộ cây.

Thu hoạch

Cây mướp từ thời điểm trồng cho đến lúc thu hoạch trung bình trong khoảng 80 – 100 ngày. Quan sát quả mướp trên giàn và thu hoạch tùy vào mức độ bạn muốn sử dụng.

Thu hoạch mướp

Nếu giàn mướp có quá nhiều trái non, bạn có thể tỉa bớt những trái xấu để tập trung dinh dưỡng cho những trái còn lại.

Để quả làm giống

Chuẩn bị cho vụ mướp sau đó bằng cách để quả làm giống. Quả giống mướp cần đảm bảo không bị sâu bệnh, kích thước to, quả ra ở lượt gần cuối vụ là được.

Hãy để quả thật già ở trên giàn. Tiếp đến, ngắt xuống và đem phơi ở nắng ráo. Bảo quản ở chỗ có độ ẩm vừa phải để vụ sau lấy hạt nhé.

Qua những chia sẻ trên, có thể thấy cách trồng mướp ra hoa trĩu quả không quá phức tạp phải không nào? Hãy thường xuyên cập nhật Blog Vườn Nhà Ta để theo dõi những mẹo trồng cây thú vị hơn nhé!

Tham khảo thêm: Cách trồng rau trên sân thượng luôn xanh tốt quanh năm

Ban biên tập: Vườn Nhà Ta

5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ ngay!

Facebook
Pinterest
Twitter
Reddit
guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả các bình luận