Bonsai là một trong những dòng cây cảnh được ưa chuộng nhất hiện nay. Bonsai không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao, mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp gửi gắm đến cuộc sống. Vậy cây bonsai là gì? Cây bonsai mấy loại? Trong bài viết này, Vườn Nhà Ta sẽ cung cấp các thông tin bổ ích về dòng cây cảnh này đến bạn.
Cây bonsai là gì?
Bonsai là một từ trong tiếng Nhật, nghĩa của chúng là “cây con trồng trong chậu”. Bonsai được biết đến là một nghệ thuật truyền thống gắn liền với người Nhật.
Tại sao bonsai được gọi là nghệ thuật? Bởi chúng được hình thành trên cơ sở các kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt để tạo ra những kiểu dáng, thế cây độc đáo nhất.
Và quan trọng là bonsai khá nhỏ bé, chúng hầu như sinh trưởng và phát triển trong một chiếc chậu. Vậy điểm khác biệt giữa bonsai và cây cảnh trồng trong chậu bình thường là gì?
Cây cảnh trong chậu thường được trồng với mục đích thưởng thức vẻ đẹp của hoa và lá. Trong khi đó, bonsai được trồng để ngắm nhìn tổng thể kiểu dáng của chúng so với chậu trồng. Bonsai và chậu cần thực sự hài hòa, cân đối và bổ sung giá trị cho nhau.
Thông thường, loại cây này chỉ có chiều cao trung bình khoảng 2 tấc. Song, chúng vẫn cho cảm nhận về một cây cảnh to khỏe, vững vàng, không thể mỏng manh yếu đuối trước môi trường sống ngoài tự nhiên.
Bonsai là một trong những văn hóa được tôn sùng ở Nhật. Trồng bonsai không chỉ làm cảnh, mà chúng có thể mang những thông điệp ý nghĩa và giá trị đến với người chăm sóc. Đó là sức chịu đựng, lòng kiên nhẫn, sự nỗ lực vươn mình trước nghịch cảnh…
Bên cạnh đó, bonsai dáng đẹp còn là biểu trưng của sự sáng tạo và óc thẩm mỹ của người làm vườn. Do vậy trong phong thủy, cây bonsai đều có thể mang lại sự sung túc, may mắn và hạnh phúc cho gia chủ của mình.
Phân loại cây bonsai
Cây bonsai có khá nhiều loại. Có thể phân loại bonsai theo những tiêu chí sau:
Phân loại bonsai theo kích thước
- Bonsai mini: Là những loại bonsai có kích thước nhỏ, chiều cao của chúng trung bình chỉ đạt 5 – 20cm.
- Bonsai thường: Là những loại bonsai có kích thước vừa phải, chiều cao trung bình đạt từ 20 – 100cm. Bonsai thường sở hữu đa dạng kiểu dáng và thế, thường được giới cây cảnh ưa chuộng để trang trí nhà cửa.
- Bonsai cỡ đại: Là những loại bonsai có kích thước rất lớn. Kiểu dáng cổ thụ gần giống với cây tự nhiên, chúng được các nghệ nhân chăm sóc cho một tổng thể cực kỳ hoành tráng. Loại bonsai này là bonsai có giá cao nhất.
Phân loại bonsai theo dáng cây
Một trong những nhân tố tạo nên sức ảnh hưởng của bonsai đó chính là dáng cây. Các dáng bonsai đa dạng, kiểu cách và ý nghĩa được tạo tác từ bàn tay và mắt thẩm mỹ của các nghệ nhân.
Các dáng cây bonsai thường gặp nhất như dáng xiêu, dáng huyền, dáng trực, dáng đổ, dáng lão…
Các loại cây bonsai phổ biến
Như đã nói, bonsai không chỉ có tác dụng trang trí, chúng còn gửi gắm nhiều thông điệp sống giá trị và mang lại những ý nghĩa tốt trong phong thủy. Dưới đây là tổng hợp các loại cây bonsai phổ biến:
Cây bonsai trồng trong nhà
Cây sanh bonsai
Những cây sanh ngoài tự nhiên sở hữu cành lá sum suê, bộ rễ đồ sộ… Không chỉ có tác dụng tạo bóng mát, cây sanh ngày nay còn được người làm vườn trồng trong chậu và chăm sóc đặc biệt để tạo nên một loại bonsai cực kỳ giá trị.
Cây sanh bonsai có thể được bày trí trong sân vườn hoặc ngay trong không gian nhà cửa. Chiều cao trung bình của cây từ khoảng 20cm – 1m.
Nằm trong bộ tứ “Sanh, sung, tùng, lộc”, cây sanh có thể mang lại nhiều năng lượng tốt và những may mắn đến cho gia chủ của mình.
Cây ngũ gia bì
Ngũ gia bì là bonsai rất quý hiếm, thuộc dòng nhân sâm. Toàn cây cho một màu xanh mướt, dáng thuôn dài và mọc so le cực kỳ đẹp mắt. Hoa của cây mọc thành từng chùm, kích thước nhỏ và có màu trắng. Quả của cây hình cầu, khi chín có màu tím và rất mọng nước.
Cây ngũ gia bì bonsai có ý nghĩa cực kỳ tốt trong phong thủy. Đặc biệt cây ngũ gia bì rất thích hợp với những gia chủ mang mệnh Mộc hoặc mệnh Thủy. Cây cũng có thể thanh lọc không khí, có tác dụng tốt cho sức khỏe con người.
Cây đinh lăng bonsai
Đinh lăng là một trong những thảo dược quý, có tác dụng tốt cho một số bệnh nhất định. Không những thế, cây bonsai đinh lăng rất hợp phong thủy, có thể giúp gia chủ nhận về nhiều may mắn trong cuộc sống.
Những tán cây đinh lăng vừa phải, xanh mướt, có thể thanh lọc không khí, điều hòa nhiệt độ…
Trong phong thủy, đinh lăng bonsai có thể hóa giải vận khí, ngăn những dòng năng lượng xấu vào bên trong nhà. Từ đó, giúp tích tụ khí tài, vận tốt, chúng được ví như “thần giữ cửa” cho gia đình của bạn.
Cây bonsai lộc vừng
Bonsai lộc vừng là cây có giá trị phong thủy cực tốt. Chúng có thể mang lại cho gia chủ nhiều tài lộc, may mắn và sự bình yên.
Theo phong thủy, hoa của lộc vừng có màu đỏ thắm và vẻ ngoài như những chùm pháo bông. Do vậy người ta quan niệm rằng, mỗi độ hoa nở thì gia đình sẽ có hỷ sự hoặc sắp sửa có một niềm vui to lớn. Trồng bonsai lộc vừng vì vậy mà trở thành một xu hướng bonsai ngày nay..
Cây mai vàng bonsai
Hình ảnh mai vàng gắn liền với những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Sắc vàng là biểu tượng của quyền lực, tiền tài và thịnh vượng. Mai vàng bonsai có giá trị cao, được thị trường săn đón rất nồng nhiệt.
Bonsai mai vàng có thể chịu hạn tốt, nhưng chăm sóc mai vàng cần kỹ thuật đúng. Cây không thể chịu được ngập úng quá lâu, rễ sẽ không thể thoát nước và dễ úng nước. Những cây bonsai mai vàng với bộ rễ đồ sộ trồi lên phía trên tạo một tổng thể vô cùng ấn tượng.
Cây bonsai trồng trong nước
Cây du bonsai
Cây du là một trong những loại bonsai rất ưa nước. Do vậy, chúng thích hợp để trồng thủy canh. Cây du cũng không ưa nắng, nên đặt cây ở những vị trí râm mát và cung cấp độ ẩm thường xuyên cho cây.
Cây du bonsai mang hàm nghĩa của sự nỗ lực và mạnh mẽ vượt qua mọi hoàn cảnh.
Thân cây du là biểu tượng cho người đàn ông làm trụ cột chính trong gia đình, cành cây nhỏ vươn ra biểu tượng cho người phụ nữ luôn bên cạnh chồng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lá của cây du tượng trưng cho những đứa con luôn được cha mẹ bảo bọc.
Cây si bonsai
Thuộc bộ tứ linh “Đa, Sung, Sanh, Si”, cây si bonsai được xem là loài mang lại cát tường và may mắn tốt nhất cho ngôi nhà.
Chính bởi vậy loài cây này rất được ưa chuộng trên thị trường. Cây si bonsai được uốn nắn và tạo tác dáng – thế dưới bàn tay của các nghệ nhân làm vườn. Chúng mang lại cái nhìn vững chãi và chắc khỏe với bộ rễ lớn.
Cây si bonsai có mặt ở các loại từ cây lớn, cây thường cho đến cây mini. Ngoài việc trồng ở chậu đất, cây si bonsai còn rất phù hợp để trồng theo dạng thủy canh để làm nổi bật bộ rễ của nó.
Cây mai chiếu thủy bonsai
Mai chiếu thủy bonsai được các nghệ nhân nhà vườn uốn nắn thành đa dạng kiểu dáng. Nhưng tổng thể mai chiếu thủy luôn toát lên vẻ ngoài quý phái và đẳng cấp. Thân mai chiếu thủy sần sùi, như là một minh chứng cho việc cây đã sống và tồn tại rất lâu.
Nhờ vào hình dáng bên ngoài, mai chiếu thủy trong phong thủy mang thông điệp của sự chắc chắn, vững vàng và ổn định theo thời gian.
Cây nhất chi mai bonsai
Đây là một trong những cây bonsai có nét đẹp phong trần và tự nhiên nhất. Nhất chi mai là cây thân gỗ, vẻ ngoài cổ thụ với thân phình to, vỏ cây cứng, sần sùi nhưng cho cảm nhận về sự cứng cỏi và mạnh mẽ.
Nhất chi mai bonsai không chỉ cho một bức tranh tuyệt đẹp khi được bày trí trong không gian nhà cửa. Mà trong phong thủy, cây còn tượng trưng cho hình ảnh của một bậc quân tử, dũng cảm, hiên ngang, phong trần khắp bốn bể năm châu.
Cây linh sam bonsai
Trong giới bonsai nói chung, cây linh sam là một loại bonsai cực kỳ phổ biến. Cây có nguồn gốc từ cây sam núi trong tự nhiên. Loài cây với vẻ ngoài sần sùi, nhưng tạo cảm giác chân thật và bắt mắt.
Cây linh sam có thể tạo thành nhiều kiểu dáng và thế bonsai nên được nhiều người ưa chuộng. Hơn cả, chúng còn có thể chuyển sang dạng thủy canh dưới nước để làm nổi bật lên vẻ đẹp sang trọng của mình.
Bài viết cùng chủ đề Cây bonsai: Tại đây
Hướng dẫn cách chăm sóc cây bonsai cho người mới chơi
Bonsai được trồng và chăm sóc dưới kỹ thuật đặc biệt của các nghệ nhân làm vườn. Do đó, khi mua bonsai về bạn cũng cần chú trọng về cách chăm sóc cây. Cụ thể:
Ánh sáng
Trên thực tế, loài cây nào cũng cần ánh sáng tự nhiên để phục vụ cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Những cây bonsai cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mỗi loại bonsai có nhu cầu về ánh sáng không giống nhau. Chẳng hạn như những cây trồng chậu chắc chắn sẽ cần nhiều ánh sáng hơn những cây trồng thủy canh.
Do vậy, cần tìm hiểu và xác định nhu cầu ánh sáng của từng loại bonsai để có sự điều chỉnh hợp lý nhất.
Tưới nước
Nhìn chung, ngoài những bonsai có thể trồng ở dạng thủy canh thì hầu hết chúng đều rất sợ nước. Cây bonsai không thể chịu được tình trạng ngập úng quá lâu. Do vậy, hãy xác định cây cần nước hay không bằng cách kiểm tra độ ẩm của đất. Nếu đất quá khô thì nên tưới nước nhiều, đất hơi ẩm thì tưới nước ít.
Cắt tỉa
Cắt tỉa là một trong những việc làm cần thiết khi chăm sóc cây cảnh, đặc biệt là bonsai. Cắt tỉa ngay từ lúc còn nhỏ để cây giữ được dáng và thế của mình. Bạn nên tiến hành cắt tỉa vào giai đoạn cây chuẩn bị đâm lá non và chồi (mùa Xuân).
Thay chậu
Nhiều loại bonsai được chăm sóc tốt sẽ cho bộ rễ cực lớn. Chính bởi vậy, nếu chiếc chậu hiện tại không đủ để cây sinh trưởng, hãy tiến hành thay chậu để đảm bảo an toàn cho rễ cây.
Ngoài ra, hãy thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây để tiêu diệt hoặc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sâu bệnh cho bonsai nhé.
Sưu tầm hình ảnh cây bonsai đẹp
Cùng ngắm nhìn bộ sưu tập cây bonsai đẹp và đa dạng kiểu dáng ngay dưới đây:
Trên đây là kiến thức tổng hợp giúp bạn hiểu rõ cây bonsai là gì? Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn trong lĩnh vực chơi bonsai nói chung. Chúc bạn thành công!
Ban biên tập: Vườn Nhà Ta