Cẩm nang trồng sả trong chậu tại nhà chi tiết từ A đến Z

Cẩm nang trồng sả trong chậu tại nhà chi tiết từ A đến Z

Ngoài hành, tỏi, gừng, ớt… thì sả cũng là một loại cây gia vị có nhiều công dụng nên rất được ưa chuộng. Cây sả dễ trồng, có thể trồng thành bụi trong vườn hoặc trồng vào chậu đặt ở sân thượng, ban công… Một chậu sả vừa đẹp, vừa giúp bạn thuận tiện thu hoạch bất cứ khi nào có nhu cầu. Cùng tìm hiểu cách trồng sả trong chậu qua bài viết của Vườn Nhà Ta nhé!

Kiến thức cần biết về cây sả

Trước khi đi sâu tìm hiểu về cách trồng sả tại nhà trong chậu, chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về loại cây này.

Đặc tính cây sả

  • Cây sả mọc thành từng bụi, một gốc có nhiều phân nhánh. Dáng sả mọc thẳng đứng, phát triển trung bình từ 1 – 1.5m.
  • Lá sả hẹp và dài, mỏng, mặt trên và dưới đều rất nhám (gần giống với lá cây lúa). Phần lá sả gần cuối gốc sẽ càng ôm sát vào nhau, tạo thành một cụm gốc chắc chắn.
  • Gốc sả cũng là bộ phận dùng làm gia vị, có màu trắng hoặc hồng tím.
  • Cây sả có bộ rễ khỏe, sống lâu năm.
  • Mùi hương của sả cực kỳ đặc trưng. Do có hoạt chất citral – một chất tinh dầu dễ bay hơi trong không khí.
  • Nhiệt độ lý tưởng để cây sả phát triển là từ 22 – 27 độ C. Cây sẽ gặp phải tình trạng cháy lá nếu nhiệt độ hơn 30 độ C.
  • Sả là cây ưa sáng, năng suất và chất lượng sả sẽ kém nếu trồng ở nhiệt độ thấp, yếu sáng.
Kiến thức cần biết về cây sả
Kiến thức cần biết về cây sả

Trồng cây sả trong nhà có tốt không?

Nhiều người chỉ biết đến sả như một loại cây gia vị thường gặp trong các bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, ngoài công dụng này, cây sả còn sở hữu rất nhiều vai trò đặc biệt khác. Có thể kể đến như:

  • Sát trùng: Sả là một dược liệu quý có thể hỗ trợ điều trị nhiễm trùng rất hiệu quả. Vì trong sả có thành phần tinh chất đặc biệt, có công dụng ngăn ngừa và ức chế vi khuẩn tương đương với thuốc kháng sinh thông thường.
  • Giải độc cơ thể: Sả hỗ trợ giải độc cơ thể, thúc đẩy tiêu hóa. Do đó, có thể dùng sả để điều trị các bệnh về thận, gan, tuyến tụy…
  • Ngừa ung thư: Thành phần luteolin trong củ sả còn có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Đặc biệt là ung thư gan, ung thư vú…
  • Đuổi côn trùng: Tinh dầu trong sả có mùi hương cực mạnh, chứa các hoạt chất như geraniol, citronellal… có thể xua đuổi rắn, muỗi và những loại côn trùng khác.
  • Điều chế các loại hóa mỹ phẩm: Mùi hương từ sả không hề gây cảm giác khó chịu mà rất thư thái và nhẹ nhàng. Nhờ thế, chúng thường được chọn là nguyên liệu để bào chế ra những loại nước hoa xịt phòng, nến thơm, nước lau sàn, nước rửa bát…

Chuẩn bị trước khi trồng sả trong chậu

Trồng sả trong chậu cần chuẩn bị những gì? Công đoạn chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp quá trình trồng sả nhanh gọn và tiết kiệm thời gian hơn.

Thời vụ trồng sả

Thời điểm tốt nhất để trồng cây sả là vào mùa xuân và mùa thu. Cụ thể từ khoảng tháng 1 đến tháng 3 cho đến tháng 8 – tháng 9.

Với miền Bắc, bạn có thể trồng sả vào cuối mùa đông. Với miền Nam, trồng vào đầu mùa mưa là cây có thể sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh.

Đất trồng sả

Đất dùng để trồng cây sả trong chậu cần đảm bảo độ thông thoáng, tơi xốp và thoát nước tốt. Đất nhiều dinh dưỡng sẽ giúp cây sả phát triển mạnh mẽ và cho củ to đẹp hơn.

Có thể trộn đất thịt với những giá thể như xơ dừa, tro trấu, bón thêm phân trùn quế hoặc phân chuồng.

Chuẩn bị trước khi trồng sả trong chậu
Chuẩn bị trước khi trồng sả trong chậu

Chậu trồng

Chọn loại chậu làm từ chất liệu đất nung hoặc nhựa để trồng sả. Cây sả mọc theo bụi, bộ rễ bám chắc và khỏe nên chọn chậu có độ sâu. Những chậu có dáng vuông, chữ nhật rất thích hợp để trồng sả.

Chậu trồng sả phải được thiết kế lỗ thoát nước để tránh trường hợp cây sả bị ngập úng và làm lung lay rễ.

Xác định giống sả để trồng

Sả là giống cây khá dễ trồng. Trồng cây sả trong chậu có thể chọn trồng bằng hạt, cây con có rễ hoặc thậm chí là cây không rễ (nhánh).

Trồng sả bằng hạt giống

Nếu chọn cách trồng sả tại nhà từ hạt phải chấp nhận việc cây nảy mầm rất lâu. Mất khoảng 20 – 25 ngày để hạt giống sả nảy mầm thành cây con.

Cũng vì nhược điểm này mà phần lớn người ta không áp dụng việc trồng sả bằng hạt giống.

Trồng sả bằng nhánh con có rễ

Có thể trồng sả trong chậu tại nhà bằng những nhánh sả con. Sả mua ngoài chợ, sau đó tách cây con từ bụi sả ban đầu.

Nhánh sả có thể mang đi trồng là nhánh sả phải có bộ rễ dài, khỏe mạnh. Lúc đem trồng có thể tỉa bớt lá sả, chỉ để lá có chiều dài khoảng 15 – 20cm là được.

Nhánh sả con sau khi trồng chậu khoảng 2 tuần thì sẽ đâm rễ mới và mọc những lá non.

Xác định giống sả để trồng
Xác định giống sả để trồng

Trồng sả bằng nhánh không rễ

Trồng sả bằng nhánh không có rễ không quá phức tạp. Có thể dùng cây sả tách ra từ bụi sả mua từ chợ. Nên chọn những cây sả có gốc già, không bị héo, rách thân hay gãy.

Tiến hành tách một vài lớp vỏ lá bên ngoài cây sả, để lộ phần gốc khoảng 2cm để cây ra rễ nhanh hơn. Tiếp đến, bạn cắt hết phần lá để tránh làm cây mất nước.

Kết quả sau cùng được gọi là hom sả. Sau khi xử lý, mang hom sả đi trồng trực tiếp vào chậu là được. Để cây sả nhanh đâm rễ và ra lá non, trước đó có thể đem hom sả ngâm vào nước khoảng hai đến ba tuần để hom ra rễ.

Quá trình ngâm hom cần thay nước thường xuyên để nước không làm hom bị thối.

Hướng dẫn trồng sả trong chậu chi tiết

  • Bước 1: Cho đất đã chuẩn bị vào 2/3 chậu. Sau đó, đặt khoảng 3 hom/chậu. Hom nên đặt sâu khoảng 5 – 6cm, không đặt hom thẳng và đặt nghiêng về một phía.
  • Bước 2: Nén chặt đất quanh gốc hom sả. Đồng thời, tưới đẫm nước cho hom sả vừa trồng một cách nhẹ nhàng.
  • Bước 3: Mang chậu sả vừa trồng đặt ở khu vực thoáng mát, ít ánh sáng. Khoảng 14 ngày sau, khi cây sả đã bắt đầu đâm rễ mới và lá non thì chuyển dần ra khu vực có ánh sáng đầy đủ. Đặc biệt, cần tưới đẫm nước cho cây vào buổi sáng.
Hướng dẫn trồng sả trong chậu chi tiết
Hướng dẫn trồng sả trong chậu chi tiết

Bài viết liên quan: Chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây cảnh trong chậu luôn xanh tốt

Mẹo chăm sóc chậu sả luôn tươi tốt

Để cây sả phát triển tốt, cho thân lá và gốc đẹp, chúng ta cần đảm bảo môi trường sinh trưởng cho cây.

Nhiệt độ và ánh sáng

Cây sả ưa nắng hay râm? Nhiệt độ lý tưởng nhất để cây sả sinh trưởng và phát triển từ từ 22 – 27 độ C. Do vậy, nếu nhiệt độ quá 30 độ C, cây sả có thể gặp phải hiện tượng cháy lá, khô héo.

Bạn nên đặt chậu cây sả ở khu vực nhận đủ ánh sáng, nhu cầu ánh sáng tối thiểu của cây sả là 6 giờ/ngày.

Ở những ngày hè nóng, bạn có thể hạn chế lượng ánh sáng chiếu thẳng xuống chậu sả bằng cách đặt làm giàn che cho chúng. Thường thì lá sả sẽ không xanh, thân nhỏ, hương không thơm nếu trồng chậu sả ở nơi có bóng mát, ít ánh sáng.

Tưới nước

Trồng cây sả trong chậu cần tưới nước nhiều lần cho cây để chúng không bị khô và nhanh phát triển. Cỏ thể kiểm tra độ ẩm của đất trong chậu để có sự điều chỉnh về lượng nước.

Nên tưới vào sáng sớm và chiều tối. Tưới ít hơn vào mùa mưa, hoặc có thể không tưới nếu mưa thường xuyên. Kê chậu sả lên một mặt phẳng hoặc viên gạch, đá… giúp cây thoát nước tốt hơn.

Bón phân

Sau khi trồng sả trong chậu khoảng 1 tháng thì dùng phân NPK 16 – 16 – 8TE pha loãng để bón cho cây. Việc bón phân giúp cây nhanh ra lá, thân cứng cáp hơn. Bón một tháng một lần cho chậu sả là đủ.

Trung bình sau 3 tháng, cây sả sẽ ra khá nhiều nhánh mới. Lúc này, hãy bổ sung thêm đất vào gốc của cây sả, bón phân với liều lượng tăng lên gấp đôi nhé.

Mẹo chăm sóc chậu sả luôn tươi tốt
Mẹo chăm sóc chậu sả luôn tươi tốt

Cắt tỉa

Trồng sả có nên có nên cắt lá không? Khi cây đã phát triển sum suê, bạn nên tiến hành cắt tỉa cho cây. Loại bỏ bớt những lá héo và khô để giúp cây thoáng đãng hơn.

Sâu bệnh

Trên thực tế, cây sả thường hiếm khi gặp phải sâu bệnh hại. Tuy nhiên, chúng có thể bị nấm tấn công nếu gặp phải điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, độ ẩm cao.

  • Nấm gây bệnh gỉ sắt ở cây sả với các biểu hiện như xuất hiện các vết màu đỏ, vàng, nâu trên lá của cây. Bệnh gỉ sắt thường có ở cây sả vào mùa mưa.
  • Khi quan sát thấy cây nhiễm bệnh, bạn nên loại bỏ phần lá bị nhiễm bệnh, tiêu hủy để tránh lây lan. Phòng bệnh bằng cách cắt tỉa cây sả thường xuyên giúp gốc cây thông thoáng.
  • Ngoài nấm, rệp vàng mía cũng là loại sâu bệnh thường gặp ở cây sả. Rệp vàng mía hút nhựa và tạo nên những đốm màu vàng nâu trên lá và thân cây sả. Có thể xử lý bằng cách pha loãng nước rửa chén để phun lên cây.
  • Cây sả có thể thiếu vi lượng sắt nếu lá cây chuyển từ xanh sang trắng. Dùng một số phân bón lá đặc hiệu để phun cho cây nhé.

Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, khoảng 3 – 4 tháng sau khi trồng sả trong chậu là có thể thu hoạch được. Hãy thu hoạch những nhánh sả to và tròn trước.

Thu hoạch bằng cách cầm sát gốc sả, đồng thời xoay với lực nhẹ để tách chúng ra khỏi bụi sả. Hoặc cũng có thể dùng kéo, dao cắt sát phần gốc.

Trồng lại sả

Cây sả là giống cây lâu năm. Thế nhưng, tốc độ sinh trưởng của chúng cực nhanh, dễ chiếm hết diện tích khi trồng trong chậu.

Nếu quan sát thấy bụi sả đã sum suê, bạn có thể trồng lại sả. Vào mùa thu là thời điểm tốt nhất để thực hiện trồng lại sả.

Trên đây là thông tin Vườn Nhà Ta cung cấp về cách trồng sả trong chậu tại nhà. Việc trồng sả khá dễ dàng phải không nào? Chúc bạn áp dụng thành công và thưởng thức loại cây gia vị cho chính tay mình vun trồng!

Xem thêm: Kỹ thuật trồng ớt trong chậu cực đơn giản tại nhà

Ban biên tập: Vườn Nhà Ta

5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ ngay!

Facebook
Pinterest
Twitter
Reddit
guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả các bình luận